Người vô gia cư tại Nhật Bản

Người vô gia cư tại Nhật Bản  Ai cũng biết nước Nhật vừa giàu lại vừa có chế độ an sinh phúc lợi rất tốt; do đó khó có thể có những ngư...

Người vô gia cư tại Nhật Bản 

Ai cũng biết nước Nhật vừa giàu lại vừa có chế độ an sinh phúc lợi rất tốt; do đó khó có thể có những người sống lang thang vô gia cư. Thực ra thì không phải thế. Ngày nay tại khắp các đô thị trên đất nước này đều có không ít người lang thang ngoài đường phố. Có điều họ tuyệt nhiên chẳng phải là những kẻ hành khất như người ta tưởng tượng. Đây chỉ là một biểu hiện đặc biệt phản ánh tình trạng xã hội Nhật Bản hiện nay.

Trước tiên hãy xem một số quy định chủ yếu trong chế độ bảo đảm an sinh xã hội Nhật Bản: Người thất nghiệp hoàn toàn không có thu nhập gì mỗi tháng có thể được lĩnh khoảng 100 120 nghìn đồng Yên (ký hiệu JPY) tiền trợ cấp thất nghiệp; người già mất sức lao động và không nơi nương tựa mỗi tháng được nhận 100 nghìn Yên trợ cấp (15.600.000VNĐ; tỷ giá tháng 8/2008: 1 JPY = 156 VNĐ), ngoài ra còn được giảm tiền thuê nhà và miễn phí tiền nước, tiền khám bệnh; người già trên 70 tuổi hoàn toàn miễn phí khi đi lại trên các phương tiện giao thông nội đô; người già dưới 70 thì được giảm nửa vé; nếu có con chưa đến tuổi thành niên thì còn được lĩnh thêm trợ cấp. Với những chế độ nói trên, người Nhật hoàn toàn có thể duy trì được nhu cầu cuộc sống cơ bản, hoàn toàn chẳng cần đi lang thang ngoài đường làm gì.

Người vô gia cư tại Nhật Bản
Người vô gia cư tại Nhật Bản 
Thế thì những người lang thang đó là ai vậy ? Theo các bạn Nhật Bản giới thiệu, có một loại là người lười, chẳng những lười lao động kiếm sống mà thậm chí còn “lười” đi xin chính quyền trợ cấp cho mình. Một loại nữa gồm đủ thứ người không hài lòng với cuộc sống hiện tại, muốn sống lang thang để trốn tránh các trục trặc hoặc phiền muộn trong đời sống hiện thực. Họ cam chịu làm người lang thang như thế, dĩ nhiên là do cuộc sống ấy có gì đó hấp dẫn họ.

Trước tiên là vấn đề ăn uống. Tủ kính các nhà hàng ở Nhật lúc nào cũng bầy đủ loại món ăn mẫu để quảng cáo mời khách, đến hôm sau nhất loạt phải thay mới; thế là chỗ thức ăn cũ này trở thành bữa chén ngon lành miễn phí của những người lang thang. Nghe nói một lần chính quyền thành phố Osaka tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho người lang thang, kết quả phát hiện khá nhiều vị mắc các “bệnh nhà giàu” như đường huyết cao, mỡ máu cao; qua đó đủ thấy loại người này tuyệt nhiên chẳng bao giờ phải lo chuyện không gì nhét vào bụng.

Thứ hai, cảnh sống lang thang có cái thú là rất tự do tự tại, chẳng bị ai ràng buộc điều gì. Giả thử bạn nhận tiền trợ cấp của chính quyền thì nhất định bạn phải định kỳ khai báo tình hình kinh tế của mình; nếu người ta phát hiện bạn còn có khoản thu nhập nào đó thì chẳng những bị cắt trợ cấp mà còn bị phạt tiền; khi bạn đến một nơi ở mới thì phải khai báo lại. Rắc rối như thế thà làm anh lang thang còn hơn, chả phải nhờ cậy ai cả.

Một điều nữa là hiện nay người lang thang đã trở thành một quần thể ; họ thường kết bạn dăm ba người một nhóm cùng ở một chỗ, đồng bệnh tương thân, giữa họ với nhau không có mối quan hệ lợi hại gì cả, đỡ được những khoản rắc rối thường xảy ra trong giao thiệp với nhau của người đời thường; cho nên dù điều kiện sinh hoạt có kém thật đấy, song bù lại, lại được hưởng cái tốt lành sống yên ổn cùng nhau.

Tại Nhật Bản mùa đông
Tại Nhật Bản mùa đông
Chính là do có các “sức hút” như trên, nên mặc dù chính quyền và các đoàn thể tìm mọi cách tạo công ăn việc làm cho người lang thang, nhưng họ vẫn chẳng chịu đi làm. Mỗi dịp lễ Giáng sinh hoặc Tết năm mới, các tổ chức từ thiện thường mời những người lang thang đến khách sạn để họ được cắt tóc, tắm rửa, ăn một bữa, ngủ một đêm và nghe khuyên nhủ nên chấm dứt cảnh sống lang thang, trở về với xã hội. Đáng tiếc là các hoạt động ấy thường là không mấy kết quả, phần lớn người ta sau khi cơm no rượu say, hôm sau lại tiếp tục sống như cũ. Qua đó có thể thấy đa số họ chẳng phải vì không kiếm được việc làm hoặc không có nơi nương tựa mà buộc phải sống cảnh đầu đường xó chợ, mà rõ ràng có những nguyên do khác khiến họ tự nguyện sống như thế. Nghe nói không ít nhà xã hội học Nhật Bản đã tiến hành điều tra phân tích “hiện tượng người lang thang”. Có nhận định cho rằng đó là những người trục trặc về tâm lý, trước các sức ép đủ kiểu về cá nhân, gia đình, xã hội, họ trở nên mất khả năng tự kiềm chế và chịu đựng, tới mức tìm cách được “giải thoát” trong cuộc sống nay đây mai đó. Có nhà xã hội học cho rằng hiện tượng trên thể hiện một xu hướng dị hoá và phản nghịch đối với tình trạng theo đuổi phúc lợi cao, hưởng thụ cao của xã hội Nhật Bản bao năm nay; khi ham muốn cao của cá nhân không được thoả mãn, thường thường đi tới một cực đoan khác, muốn dùng tâm trạng “chẳng cần gì hết” để thoả mãn nhu cầu khác lạ hoặc hư ảo của nội tâm. Ngoài ra còn có một quan điểm tỏ ra rất “lạc loài”, cho rằng lều ni-lông thì cũng là nhà, khác gì nhà xây, muốn ở nhà nào là quyền tự do của người ta, chỉ cần không phạm pháp thì người ta vẫn được tôn trọng và bảo vệ.

Một người lang thang kéo xe qua khu chợ điện tử hiện đại Akihabara (Tokyo), nơi một lái xe trẻ tuổi đã vô cớ giết chết 7 và làm bị thương 12 người đi bộ vào trưa ngày chủ nhật 8-6-2008.

Là kẻ ngoài cuộc, tôi chẳng biết nên bình luận thế nào về các quan điểm nói trên. Tôi nghĩ rằng: cho dù chuyện sống lang thang có nhiều nguyên do khác nhau, song việc những người lang thang có thể xuất hiện một cách phổ biến ở Nhật Bản và tiếp tục tồn tại dai dẳng như hiện nay, rõ ràng là kết quả tổng hợp các nhân tố nhiều mặt của xã hội nước này. Nói cách khác, đây không phải là vấn đề đơn thuần “xoá đói giảm nghèo”, mà là một vấn đề xã hội có liên quan đến triết lý sống và xã hội học.

Có lẽ là do hiếu kỳ nên tôi rất muốn tiếp xúc với người lang thang. Tại thành phố Kobe, một hôm khi đi vào khu rừng cạnh quảng trường bờ biển, tôi trông thấy 7-8 túp lều ni-lông xanh, mấy anh bạn bảo đấy là “nhà” của những người lang thang. Tôi lại gần xem thì thấy đều là kiểu lều nhỏ dùng khi đi cắm trại, bên trong kê đệm nằm, có cả đèn điện, máy thu thanh, lò vi sóng và một số nồi xoong bát đũa; ngoài cửa lều dựng chiếc xe đạp, vài chỗ thấy dựng cần câu, có lều còn thấy chú cún nằm bên ngoài. Mấy người đang ngồi trò chuyện dưới một gốc cây, trông bộ dạng đã ngoài tứ tuần. Mục kích cảnh lều trại và cảnh người ta nhàn tản trò chuyện, tôi không thể không thừa nhận rằng đây quả thật là những mái nhà, chỉ khác ở chỗ là nhà lều ni-lông. Anh bảo người ta cơ nhỡ vô gia cư ư ? Họ bảo đây là nhà của tôi đấy. Anh bảo người ta là kẻ lang thang ư ? Họ bảo tôi đang sống rất chi là tự do tự tại. Trên thế gian này còn có biết bao nhiêu chuyện kia mà ! Anh có thể quan sát, nghiên cứu về người lang thang ở Nhật Bản, song anh phải tôn trọng họ, càng không được kỳ thị họ. Chính quyền Nhật Bản có thái độ khoan dung đối với họ, trừ các khu phố đông vui ra, nói chung lều của người lang thang được phép dựng ở khắp nơi, không bị cấm đoán hạn chế gì. Có lẽ đó cũng là xuất phát từ sự tôn trọng con người.

Nguyên Hải (theo Haiwai Wenzhai)

Related

News 2816254202462186253

CHUYÊN MỤC

Culture (14) Language (13) Business (11) Study (11) Travel (11) News (9) University (9) Tip (8) Job (1)

Recent Posts

Random Posts

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ

QUY ĐỔI TIỀN HÀN

item
- Navigation -