Trường đại học Nhật Bản có thực sự lý tưởng?
Trường đại học Nhật Bản có thực sự lý tưởng? Tôi sang Nhật tháng 3/2009, trải qua 2 năm học tiếng Nhật và 4 năm đại học, hiện đang làm ...
https://www.japan.info.vn/2015/06/truong-dai-hoc-nhat-ban-co-thuc-su-ly-tuong.html
Trường đại học Nhật Bản có thực sự lý tưởng?
Tôi sang Nhật tháng 3/2009, trải qua 2 năm học tiếng Nhật và 4 năm đại học, hiện đang làm việc trong một công ty Nhật.Tôi viết bài này sau khi đọc bài “Trường đại học Nhật sử dụng thời gian như thế nào?”, thấy có khá nhiều ý kiến đồng tình cũng như trái chiều.
Hệ thống giáo dục đại học ở Nhật Bản
Không giống Việt Nam, Nga hay Pháp, nước Nhật giống Mỹ, không có xu hướng tập trung các trường đại học về các thành phố trung tâm mà ở mỗi tỉnh, thành phố sẽ có ít nhất một trường đại học quốc lập, ngoài ra sẽ còn các trường công lập trực thuộc tỉnh hay thành phố đó. Các trường đại học ở Nhật phần lớn cũng không là trường chỉ tập trung vào một chuyên môn như Giao thông, Xây dựng, Kiến trúc, Kinh tế, Y… mà thường sẽ là trường tổng hợp, có đầy đủ các khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật, Y dược, Sư phạm.
Tất nhiên sẽ vẫn có những trường trọng điểm quốc gia, trọng điểm vùng hoặc một vài trường trọng điểm ngành và hầu hết các trường này đều nằm ở những thành phố lớn, có thể gọi đây là các trường đại học lớn.
Trường đại học Nhật Bản có thực sự lý tưởng? |
Tôi có hỏi một số người bạn Nhật thì thấy một số lượng không nhỏ người Nhật không thích rời quê để đi nơi khác học tập hay lập nghiệp. Chính vì thế, khó có thể nói những trường đại học quốc lập nằm ở tỉnh lẻ thì không có học sinh xuất sắc thi vào. Tuy nhiên, nếu có những sinh viên tỉnh lẻ đang theo học ở các trường đại học lớn thì chắc chắn họ đã từng là những học sinh cực kỳ ưu tú.
Có một thực tế là đối với người Nhật những trường đại học quốc, công lập cho dù là ở tỉnh thì thật sự là một nơi rất khó để có thể đậu, trường đại học lớn thì còn khó hơn rất nhiền lần. Bởi vậy ở Nhật, nền giáo dục tư nhân khá phát triển, có rất nhiều các trường đại học tư lập nơi phần lớn học sinh Nhật theo học sau khi tốt nghiệp cấp 3 và không thể là số ít người lọt qua cánh của của trường quốc, công lập. Trường đại học tôi đã từng theo học cũng là một trường đại học quốc lập nằm ở tỉnh.
Trường đại học Nhật Bản học như thế nào?
Một tiết học ở đại học Nhật kéo dài 90 phút, không có giải lao. Thường mỗi môn chỉ có một tiết mỗi tuần, có một số môn ngoại lệ thì tuần có thể có nhiều hơn. Việc một ngày học ở trường suốt từ 9h sáng đến 6, 7h tối, đó là những hôm học 5 hay 6 tiết liên tục nhưng không phải tất cả các ngày trong tuần đều như vậy. Ở Nhật cũng học theo hình thức tín chỉ, có một số môn bắt buộc, một số môn bán bắt buộc và còn lại là các môn tự chọn. Mọi người hoàn toàn có thể điều chỉnh lịch học sao phù hợp nhất với bản thân.
Mỗi kỳ học thường kéo dài 16 tuần, tương đương 4 tháng. Mỗi môn sẽ học 15 tiết và tiết cuối cùng sẽ là tiết thi cuối kỳ. Nếu môn nào có thi giữa kỳ thì sẽ là 14 buổi học và 2 buổi dành để thi.
Thi cuối kỳ ở Nhật thì khác hoàn toàn so với ở Việt Nam. Kết thúc 15 tuần, tuần thứ 16 sẽ là tuần thi cuối kỳ, tất cả các môn thi gói gọn trong một tuần và thường lịch thi giống với thời khóa biểu học. Cũng có thể sẽ có một vài môn vì lý do nào đó của thầy giáo mà sẽ được thi sớm hay muộn hơn 1 tuần. Năm học ở Nhật bắt đầu vào tháng 4, tuần thi của kỳ học thứ nhất sẽ là khoảng tuần đầu tháng 8, sau kỳ thi sẽ là kỳ nghỉ kéo dài đến hết tháng 9. Kỳ học còn lại bắt đầu vào đầu tháng 10, kỳ thi cuối kỳ sẽ diễn ra vào thoảng tuần đầu tháng 2, sau kỳ thi lại sẽ là kỳ nghỉ kéo dài đến hết tháng 3.
Ngoài lề một chút nhưng là du học sinh Việt Nam hay Trung Quốc, phần lớn chỉ mong sao Tết diễn ra vào giữa tháng 2 để có thể được về đoàn tụ cùng gia đình, trong 4 năm đại học có duy nhất một lần tôi kết thúc kỳ thi trước khi Tết đến.
Các thầy, cô giáo ở giảng dạy ở trường đại học, tất cả đều là giáo sư hoặc phó giáo sư, tuyệt nhiên không có thạc sĩ hay tiến sĩ đứng lớp. Các thầy, cô giáo đều đang có các công trình nghiên cứu của riêng mình, đây mới là công việc chính của họ và họ cũng thực sự đam mê, nghiêm túc với công việc nghiên cứu.
Các giáo sư, phó giáo sư nhận tiền từ trường, từ chính phủ, từ các đoàn thể và từ các công ty để thực hiện việc nghiên cứu này, việc giảng dạy chỉ chiếm mất của các thầy, cô 1 đến 2 tiết mỗi ngày. Ở Nhật đại học được xem là một nơi dành để nghiên cứu hơn là để học.
Thêm một điều khá thú vị là ở đại học chỉ có bục chứ không có bàn ghế dành cho giảng viên, vì thế suốt 90 phút của tiết học các giáo sư, phó giáo sư chỉ đứng.
Bạn có thể đến lớp đúng giờ, có thể vào lớp giữa buổi, có thể về giữa chừng, tất cả đều không bị ý kiến. Tất nhiên có những môn sẽ có điểm danh, cũng có những giáo sư không điểm danh, bạn có thể đi học hoặc không, miễn là bạn thi qua.
Một số hình thức điểm danh phổ biến là quẹt thẻ sinh viên hoặc chuyền tay danh sách lớp và ghi tên mình vào đó. Với môn có điểm danh, bạn đảm bảo phải đi học trên 2/3 số buổi thì mới đủ tư cách dự thi cuối kỳ, tức với 16 tuần học mỗi kỳ, sẽ phải đi học ít nhất 11 buổi và được quyền nghỉ 4 buổi, 1 buổi sẽ là buổi thi. Nhật chấm điểm thao thang điểm 100, nếu bạn đạt từ 60 điểm trở lên, bạn vượt qua kỳ thi, bằng không sẽ phải học lại vào năm tới.
Trong các năm học ở đại học, năm 1 thì nhiều môn nhưng dễ và học nhàn vì phần nhiều là các môn đại cương. Năm 2, năm 3 thì ít môn hơn nhưng cũng khó hơn vì bắt đầu đi sâu vào chuyên môn. Sau khi kết thúc 3 năm học, nếu đạt đủ số tín chỉ yêu cầu, sẽ được lên năm 4.
Sinh viên Nhật làm tại phòng thí nghiệm |
Đầu năm 4 hoặc có 1 số trường sớm thì là từ kỳ học thứ 2 của năm 3, các sinh viên sẽ được chia về các phòng nghiên cứu, mỗi giáo sư sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn cho 3-5 sinh viên. Lúc này, nếu không phải học lại các môn bị rớt ở những năm trước thì sẽ chỉ phải lên lớp cực kỳ ít. Thời gian chủ yếu sẽ là ở phòng nghiên cứu, đọc các tài liệu liên quan đến luận văn, làm thực nghiệm ở các phòng thí nghiệm hoặc mô phỏng trên máy tính đối với các đề tài không cần tiến hành thực nghiệm. Tất nhiên với những kiến thức học được trong 3 năm trước, sinh viên năm 4 mới chỉ là những người giúp việc cho giáo sư hay thạc sĩ, tiến sĩ ở phòng nghiên cứu đó chứ khó có thể hiểu cặn kẽ về công trình nghiên cứu hiện tại, ngay cả đề tài luận văn tốt nghiệp cũng chỉ là một nhánh nhỏ trong công trình của giáo sư. Mỗi tuần sẽ có những buổi thảo luận nhóm, phát biểu nhóm và trao đổi trực tiếp với giáo sư hướng dẫn. Cứ như vậy kéo dài suốt 1 năm cho đến khi phát biểu luận văn tốt nghiệp.
Ở mỗi trường đại học sẽ có rất nhiều câu lạc bộ - là nơi tập trung những người cùng chung một đam mê, sở thích nào đó. Có thể là Âm nhạc, thể thao, hội họa… hay thậm chí là máy bay mô hình. Các câu lạc bộ sẽ hoạt động riêng lẻ, không chịu sự quản lý của một khoa hay lớp nào, mỗi câu lạc bộ có thể có đầy đủ các thành viên trải đều từ năm 1 đến năm 4.
Mỗi năm các trường đại học sẽ tổ chức một lễ hội kéo dài khoảng 3 ngày, không xuyên đêm. Ở đây sẽ có các quán ăn do chính các sinh viên tự đứng ra kinh doanh, sẽ có biểu diễn ca nhạc do các câu lạc bộ âm nhạc tổ chức, sẽ có trình diễn máy bay mô hình của câu lạc bộ máy bay mô hình. Du học sinh các nước thường sẽ đăng ký bán đồ ăn của nước mình, mục đích là để giới thiệu đất nước đến với bạn bè Nhật.
Đại học Nhật Bản có thật sự lý tưởng?
Với những điểm tích cực được nêu ở trên, có thể nhiều người sẽ cho rằng đây thực sự là môi trường giáo dục lý tưởng và đáng được xem là hình mẫu để học tập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng nền giáo dục đại học Nhật không hẳn là không còn những tồn tại.
Bằng những trải nghiệm thực tế, lớp học ở đại học Nhật thật sự thoải mái, giảng viên cứ giảng còn sinh viên có thể làm mọi thứ họ muốn từ ngủ, lướt Facebook, chơi game hay thậm chí đi ra ngoài miễn sao không làm ồn và làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Về trang phục, thậm chí có thể mặc quần áo ngủ, đi dép lê và không ít sinh viên Nhật hàng ngày đến lớp với bộ dạng này.
Lớp học ở Nhật cũng không thực sự sôi nổi, thường sẽ là xu hướng một chiều, giảng viên giảng và sinh viên nghe.
Ít thấy sự tham gia phản biện hay phát biểu, bày tỏ quan điểm của sinh viên Nhật. Không khí lớp học tẻ nhạt hơn rất nhiều so với một lớp học ở đại học Mỹ hay các nước phương Tây. Lớp học hầu như không có sự tương tác qua lại giữa thầy và trò sẽ rất khó để phát huy sự sáng tạo của sinh viên.
Ở những lớp học ngôn ngữ do có sự góp mặt của sinh viên đến từ nhiều quốc gia nên phần nào sẽ sôi nổi, thú vị hơn. Một giáo sư người Nhật đang công tác tại một trường đại học ở Mỹ sau khi nhận giải Nobel đã lên án môi trường giáo dục bảo thủ và thụ động này của Nhật. Mối quan hệ thầy trò ở Nhật cũng không thật sự thân thiết, nếu bạn không phải là sinh viên năm 4 đang thuộc phòng nghiên cứu của giáo sư thì 95% là giáo sư không biết tên bạn.
Với những sinh viên chăm chỉ, rất nghiêm túc với việc học ở trường, họ là những sinh viên xuất sắc. Tuy nhiên, cũng có không ít sinh viên học theo hình thức đối phó. Họ sẽ chơi suốt cả kỳ và chỉ học trước khi kỳ thi bắt đầu 1 đến 2 tuần.
Trước và trong tuần thi, thư viện sẽ chật kín chỗ còn các lớp học sáng đèn đến 3, 4 giờ sáng là chuyện rất bình thường. Chính bởi việc học một cách đối phó này nên các các kiến thức sẽ bị quên ngay sau khi kỳ thi kết thúc. Các sinh viên Nhật sau khi ra trường thường không thể sử dụng được ngay mà các công ty thường phải bỏ một khoảng thời gian không ngắn để đào tạo lại từ đầu, một phần là do hệ quả của việc học không thực sự nghiêm túc ở đại học, một phần nữa là do các kiến thức được học ở đại học không mang tính thực tiễn cao.
Ở đại học Nhật, các câu lạc bộ sẽ hoạt động rất sôi nổi nhưng sẽ không hoạt động tập thể theo lớp. Lớp sẽ không có lớp trưởng, không có thủ quỹ… vì sẽ chẳng có hoạt động gì theo đơn vị lớp. Sẽ không có giải thể thao toàn trường, sẽ không có liên hoan văn nghệ toàn trường và cũng sẽ không có giao lưu giữa các lớp, các khoa với nhau. Nếu bạn muốn tham gia một hoạt động tập thể hay ngoại khóa thì chỉ có cách gia nhập một câu lạc bộ nào đó. Đây cũng là một điểm mà tôi không thích ở đại học của Nhật.
Gần đây, những gì thuộc về Nhật Bản dường như đều trở thành hình mẫu trong suy nghĩ của người Việt. sẽ có những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề được đặt ra.
Tuy nhiên, bản thân người viết nhận thấy môi trường giáo dục đại học ở Nhật không phải thực sự là lý tưởng như cách nhiều người vẫn hình dung.
Suy cho cùng, dù trong môi trường học như thế nào thì sự nỗ lực của từng cá nhân vẫn là yếu tố cốt lõi để đi đến thành công.
Không có nền giáo dục nào là hoàn hảo và đảm bảo chắc chắn đào tạo ra những nhân tài. Chúng ta bởi vậy có lẽ không nên lý tưởng hóa bất cứ môi trường đào tạo nào, dù là ở những quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nhật …Với điều kiện thuận lợi tiếp cận dễ dàng với khối lượng kiến thức khổng lồ thông qua các phương tiện internet, báo chí, truyền thông … như ngày nay, môi trường giáo dục hoàn hảo nhất là môi trường do chính cá nhân người học tạo nên.
Lê Xuân Huy